Thông tư về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: DN nhiều cơ hội nâng cao giá trị nhờ quy định mới
Quay lại Bản in Yahoo

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 27/2019/TT-BKHCN quy định chi tiết thi hành một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG).

Đây là được xem là sự đổi mới đáng kể giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tham gia Giải thưởng, đồng thời đẩy mạnh vai trò đồng hành của các bộ ngành, địa phương trong phát triển hoạt động này.


Thông tư số 27/2019/TT-BKHCN với những quy định mới hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao giá trị khi tham gia GTCLQG. 

Thời gian qua, đã có nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quy định về GTCLQG, cụ thể, có thể kể đến việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó có các nội dung liên quan đến GTCLQG.

Để hướng dẫn thi hành một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 17/2011/TT-BKHCN ngày 30/6/2011 quy định về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Thông tư số 07/2012/TT-BKHCN ngày 02/4/2012 sửa đổi khoản 2 Điều 7 Thông tư số 17/2011/TT-BKHCN.

Mới đây nhất, ngày 26/12/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 27/2019/TT-BKHCN quy định chi tiết thi hành một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về GTCLQG.

Cụ thể, có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Thông tư số 27/2019/TT-BKHCN quy định, tổ chức, DN tham dự GTCLQG phải có tư cách pháp nhân đã hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ liên tục tại Việt Nam và không vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam trong thời gian ít nhất 36 tháng tính đến thời điểm đăng ký tham dự GTCLQG; không hạn chế số lần và thời gian tham dự của tổ chức, DN đã đạt GTCLQG; tổ chức, DN đã đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia thì sau hai năm kể từ năm được Thủ tướng Chính phủ tặng Giải Vàng chất lượng Quốc gia được tiếp tục tham dự lại GTCLQG.

Việc xét tặng GTCLQG cho tổ chức dựa trên kết quả đánh giá, tính điểm của 07 tiêu chí với tổng số điểm là 1000 điểm, gồm: Vai trò lãnh đạo; Chiến lược hoạt động; Chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường; Đo lường, phân tích quản lý tri thức; Quản lý nguồn nhân lực; Quản lý quá trình hoạt động; Kết quả hoạt động.

Tổ chức, DN tham gia và đạt giải GTCLQG sẽ nhận được các quyền lợi như: được phép thông báo, tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức giới thiệu khác về đơn vị mình, được sử dụng biểu tượng của GTCLQG trên sản phẩm, ấn phẩm của tổ chức, DN; được ưu tiên vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ ở các bộ, ngành, địa phương và các quỹ khác theo quy định của pháp luật; ưu tiên tham gia các chương trình, dự án cấp quốc gia về phát triển, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng. Ngoài ra, các tổ chức, DN đạt giải được các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khen thưởng theo quy định từ nguồn quỹ khen thưởng hằng năm.

Cũng theo Thông tư, Bộ Khoa học Công nghệ là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về GTCLQG. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan thường trực GTCLQG. Cơ quan tham mưu, giúp việc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý khoa học và công nghệ trên địa bàn là cơ quan thường trực GTCLQG tại địa phương. Tổng cục TCĐLCL phối hợp với Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị trao tặng GTCLQG cho các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/11 hằng năm.

 Lần đầu tiên GTCLQG có hội đồng sơ tuyển cấp bộ, ngành

Theo Thông tư 27/2019/TT-BKHCN, các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 3 Điều 27a Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, tiến hành các bước sau: Chỉ định cơ quan thường trực GTCLQG để chủ trì tổ chức triển khai GTCLQG hằng năm trong phạm vi quản lý theo Kế hoạch tổ chức GTCLQG của Bộ Khoa học và Công nghệ; Thành lập hội đồng sơ tuyển cấp bộ, ngành, có sự thống nhất bằng văn bản của Bộ Khoa học và Công nghệ, để tổ chức xem xét, đánh giá các tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành.

Thành phần, nhiệm vụ của Hội đồng sơ tuyển thực hiện theo quy định tại Điều 27b Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng sơ tuyển cấp bộ, ngành là đại diện Lãnh đạo bộ, ngành tổ chức sơ tuyển. Thư ký Hội đồng sơ tuyển cấp bộ, ngành là đại diện của cơ quan thường trực GTCLQG của bộ, ngành có tên trong Danh sách các uỷ viên Hội đồng sơ tuyển được bộ, ngành thành lập.


Tin bài: tcvn.gov.vn


Cập nhật: 22/09/2020
Lượt xem: 2075
Lên trên