Nhan nhản mũ bảo hiểm ‘dởm’ trên thị trường, làm sao để xác định hàng chuẩn?
Quay lại Bản in Yahoo

Cục QLCLSPHH cho biết, mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng theo QCVN 2:2008/BKHCN là mũ có cấu tạo đủ 3 bộ phận là vỏ mũ, đệm hấp thu xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo. Ngoài ra, mũ bảo hiểm phải được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy CR và có nhãn hàng hóa kèm theo.

Hàng loạt vụ vi phạm bị phát hiện

Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với Đội quản lý thị trường số 5, Cục QLTT tỉnh Hải Dương tiến hành kiểm tra, phát hiện hoạt động sản xuất hàng trăm mũ bảo hiểm nhái nhãn hiệu HONDA tại Công ty TNHH MTV thương mại Phan Giang (địa chỉ tại xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương).

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện, tại nơi sản xuất và kho chứa hàng hóa thành phẩm của Công ty, ngoài số mũ bảo hiểm mang thương hiệu của công ty Phan Giang còn có gần 260 mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy và các nguyên liệu, tem nhãn, linh, phụ kiện dùng cho việc sản xuất, lắp ráp mũ bảo hiểm.

Toàn bộ số hàng hóa thành phẩm và nguyên liệu, tem mũ bảo hiểm trên đều không có giấy tờ, hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo. Giám đốc Công ty là Đỗ Văn Giang khai nhận mục đích của việc sản xuất các sản phẩm mũ bảo hiểm mang nhãn hiệu “HONDA”, “HONDA và hình cánh chim” là bán ra thị trường để kiếm lời. Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hải Dương đã tiến hành lập biên bản, niêm phong, tạm giữ toàn bộ số tang vật để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi vi phạm.

Trước đó, vào ngày 8/7/2020, đoàn kiểm tra thuộc Đội QLTT số 4 (Cục QLTT Trà Vinh) đã tiến hành khám phương tiện xe ô tô tải biển kiểm soát số 84R-000.02 đang vận chuyển hàng hóa Tân Vạn Thuận số 52, đường Phú Hòa, khóm 1, phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.


Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh bắt giữ lô hàng mũ bảo hiểm vi phạm. 



Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn đã phát hiện và tạm giữ 270 mũ bảo hiểm dùng cho người đi xe mô tô, xe máy kích thước 57-60cm, khối lượng tịnh 520g/cái không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Số lượng mũ bảo hiểm nêu trên chủ xe nhận từ thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh Trà Vinh sẽ có người nhận và chủ xe cũng đã liên hệ người nhận nhưng không ai đến nhận. Do đó Đội QLTT số 4 sẽ thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để tìm chủ sở hữu hàng hóa đối với số lượng hàng hóa nêu trên.

Hồi tháng 5/2020, tại km 233 Quốc lộ 18 thuộc xã Hải Yên, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), đội Cảnh sát giao thông số 3, phòng CSGT đường bộ – đường sắt (Công an tỉnh Quảng Ninh) đã kiểm tra xe khách mang BKS 14B – 004.29 và phát hiện trên xe chở nhiều thùng bìa cát tông, bên trong chứa 850 mũ bảo hiểm không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, lái xe Nguyễn Ngọc Ánh (sinh năm 1974, trú tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) – khai nhận vận chuyển thuê số hàng trên từ Hạ Long ra Móng Cái. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã lập biên bản và bàn giao hàng hóa, hồ sơ, giấy tờ liên quan cho đội Quản lý thị trường số 4 xử lý theo quy định pháp luật.

Ngày 3/1/2020, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra bất ngờ một cơ sở tại H. Bình Chánh vì liên quan đến sản xuất mũ bảo hiểm có dấu hiệu làm giả các thương hiệu lớn.

Thời điểm kiểm tra, ngôi nhà không số này thuộc ấp 6 (xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM) đang có nhiều công nhân gia công, sản xuất nhiều loại mũ bảo hiểm. PC03 phối hợp cùng Công an H. Bình Chánh tiến hành kiểm tra, phát hiện 500 sản phẩm mũ bảo hiểm giả các thương hiệu lớn, 1.200 vỏ mũ…các sản phẩm này đang chờ tung ra thị trường tết. Lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều máy ép, máy sơn, các loại bình hóa chất để sản xuất mũ bảo hiểm.

Được biết, các sản phẩm mũ bảo hiểm giả các thương hiệu lớn này khi hoàn thiện sẽ có độ chính xác cao, rất khó phân biệt. Mỗi tháng, cơ sở này sản xuất và cho ra thành phẩm hàng ngàn sản phẩm để tung ra thị trường trong và ngoài nước. Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản lấy lời khai, tiếp tục mở rộng điều tra.

Thế nào là sản phẩm mũ bảo hiểm đạt chất lượng?

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục QLCLSPHH (Tổng cục TCĐLCL) cho biết, sản phẩm đạt chất lượng (theo QCVN 2:2008/BKHCN) là mũ có cấu tạo đủ 3 bộ phận là vỏ mũ, đệm hấp thu xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo. Ngoài ra, mũ bảo hiểm phải được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy CR và có nhãn hàng hóa kèm theo.

Trên thị trường hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm có cửa hàng, cửa hiệu, có địa chỉ rõ ràng đều thực hiện nghiêm chỉnh các quy định. Trong đó, các loại mũ bảo hiểm được sản xuất, bán đều có chứng nhận hợp quy, ghi rõ chất lượng, nơi sản xuất.

“Tuy nhiên, vẫn còn tổ chức hoặc cá nhân sản xuất có những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi như giấu địa chỉ nơi sản xuất, người bán mũ bảo hiểm không có địa chỉ cố định, bán rong trên vỉa hè, tranh thủ vào những lúc trời tối, sản phẩm mũ bảo hiểm chủ yếu là mũ nhập lậu, mũ rởm không qua kiểm tra chất lượng”, ông Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.


Hình ảnh so sánh mũ bảo hiểm đạt chuẩn và mũ không đạt chuẩn, kém chất lượng (Ảnh minh họa)

Còn theo Vụ Pháp chế – Thanh tra (Tổng cục TCĐLCL), qua quá trình thanh tra kiểm tra cũng như xác minh các trường hợp vi phạm, những mánh khóe thường bị các cơ quan chức năng vào cuộc “lật tẩy” thường là kinh doanh mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn, chất lượng, giả mạo chứng nhận hợp quy trên sản phẩm.

Cá biệt, còn có những trường trên nhãn sản phẩm có ghi đầy đủ tên công ty, địa chỉ sản xuất nhưng khi cơ quan chức năng đi thực tế khảo sát thì không đúng với thông tin khai báo, thậm chí, có trường hợp còn phát hiện ra doanh nghiệp “ma”.

Trong Chỉ thị 04/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện được ban hành năm 2018, Thủ tướng chính phủ đã giao Bộ Khoa học và 
Công nghệ tiếp tục rà soát, đánh giá và hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm; quản lý chặt chẽ quá trình hợp quy đối với mũ bảo hiểm nhập khẩu và sản xuất trong nước;

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm đối với hoạt động sản xuất mũ bảo hiểm; xử lý nghiêm hành vi vi phạm và thông báo rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn và không đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia;

… Hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng mũ bảo hiểm tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, xác định rõ lộ trình thực hiện, đặc biệt là nâng cao khả năng nhận biết và khả năng truy xuất nguồn gốc mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

Tin bài: tcvn.gov.vn



Cập nhật: 26/08/2020
Lượt xem: 3883
Lên trên