Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa TRUNG TÂM CHỨNG NHẬN PHÙ HỢP và BERING & COMPANY OY
Quay lại Bản in Yahoo
Truy xuất nguồn gốc cho phép người dùng biết quá trình sản xuất từ nguyên liệu thô đến thành phẩm và không thể chỉnh sửa khi dùng công nghệ blockchain.

Chiều 31/10, tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản hợp tác. 
Chương trình có hai nội dung chính: Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) và Công ty Bering & Company Oy về “Việc quảng bá và cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc Blockchain tại Việt Nam” và Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ ba bên giữa Công ty Bering & Company Oy, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) và Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO) về “Việc thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc cho HABECO”. Chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ có Ông Kari Kahiluoto – Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam và Ông Trần Văn Vinh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Bùi Bá Chính - Phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia.

Việc triển khai các giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp Việt chứng minh về chất lượng sản phẩm cũng như quy trình sản xuất, nguyên vật liệu đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.


Theo ông Phạm Lê Cường, Giám đốc QUACERT cho biết, việc truy xuất nguồn gốc đang là yêu cầu bức thiết đối với các doanh nghiệp. Hiện thị trường nội địa đang tạo sức ép lớn và các nước nhập khẩu cũng luôn đòi hỏi sự minh bạch thông tin do doanh nghiệp cung cấp về chuỗi cung ứng sản phẩm.

Ứng dụng giải pháp này, các thông tin về nguồn gốc sản phẩm sẽ được mã hóa có tính hệ thống và không thể can thiệp (sửa) theo ý muốn của doanh nghiệp khi có vấn đề phát sinh. Ví dụ thông tin về ngày sản xuất hàng hóa hoặc thành phần nào đó vào một thời điểm nhất định, không ai có thể xóa thông tin đó theo mục đích có lợi, kể cả chủ sở hữu cũng không thể sửa chữa hay thay đổi.

Thông tin được hệ thống sẽ thu thập, lưu trữ liên tục cả chuỗi sản xuất, có khả năng truy xuất chính xác nguồn gốc sản phẩm theo các mục đích khác nhau. Như vậy với doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang thị trường châu Âu và các nước yêu cầu cao sẽ có cơ sở để chứng minh được tính minh bạch, khách quan về chất lượng sản phẩm. 

Từ quý III/2019, Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế (GS1) mà Việt Nam là thành viên yêu cầu tất cả doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu phải cập nhật đồng bộ đủ bảy thuộc tính của hàng hóa lên hệ thống dữ liệu đám mây (iCloud). Bảy thuộc tính gồm: mã thương phẩm toàn cầu, nhãn hiệu sản phẩm, mô tả sản phẩm, tên chủ sở hữu, hình ảnh sản phẩm, thị trường mục tiêu, phân loại sản phẩm toàn cầu. Nếu không đồng bộ, thống nhất các thông số này, doanh nghiệp xuất khẩu hoặc buôn bán trực tiếp trên mạng sẽ không bán được hàng hóa.

Trước đó, vào ngày 18 tháng 10 năm 2019, QUACERT cũng từng ký một biên bản ghi nhớ với Trung tâm nghiên cứ kỹ thuật VTT Phần Lan (VTT) về “Chương trình hợp tác nghiên cứu về phát triển đô thị thông minh tại 1 số tỉnh thành tại Việt Nam”. việc xây dựng những chỉ số (KPI) để xây dựng thành phố thông minh là 1 vấn đề quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt được chia sẻ & chuyển giao từ các nước phát triển hàng đầu về Smart City như Phần Lan. Lễ ký kết diễn ra với sự chứng kiến của Ông Kari Kahiluoto.


Việc ký kết hợp tác với Bering & Company Oy của Phần Lan sẽ giúp đỡ rất nhiều trong việc phổ biến và áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc Blockchain cho các doanh nghiệp tại Việt Nam để đạt được những kết quả kinh doanh khả quan hơn nữa cũng như bắt kịp với các doanh nghiệp quốc tế trong vấn đề đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Một số hình ảnh tại Lễ ký kết.


Tin bài: Tổng hợp.

Cập nhật: 01/11/2019
Lượt xem: 2841
Lên trên