JCM/BOCM: Đề xuất của Nhật Bản về cơ chế tín chỉ mới
Quay lại Bản in Yahoo


Kể từ khi dự án CDM (Cơ chế phát triển sạch, một trong những giải pháp linh hoạt của cơ chế Kyoto) đầu tiên được đăng ký vào tháng 11.2004, số lượng các tín chỉ được ban hành và các dự án CDM được đăng ký đã tăng lên một cách nhanh chóng (đến nay khoảng 6.700 dự án). Nhưng hiện tại, cơ chế này đang phải đối mặt với một tình hình cực kỳ khó khăn. Lý do chính là các nước như Nhật Bản không tiếp tục tham gia vào cam kết giai đoạn II của Nghị định thư Kyoto, được bắt đầu từ năm 2013, và do đó không tham gia vào hoạt động mua bán tín chỉ phát thải trên thị trường quốc tế. Điều này đã góp phần làm sự cân bằng giữa cung và cầu tín chỉ bị ảnh hưởng một cách đáng kể và giá carbon đã sụt giảm một cách thảm hại xuống dưới 1 euro/tấn CO2. Nhiều vấn đề tồn tại của CDM đã được chỉ ra từ một vài năm trước đó. Ví dụ, yêu cầu về việc phải đáp ứng một cách nghiêm ngặt tiêu chí “tính bổ sung” của cơ chế này đã trở thành một trong những rào cản chủ yếu trong việc triển khai các dự án CDM. Những khó khăn trong việc áp dụng CDM trong các dự án về lĩnh vực giao thông và bảo toàn năng lượng là một trong những rào cản khác đã góp phần hạn chế việc ứng dụng rộng rãi cơ chế này. Sự mất cân bằng giữa các khu vực áp dụng dự án cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy sự thất bại có tính đặc thù của cơ chế này.



Để đưa ra các giải pháp cho các vấn đề này và nhằm thúc đẩy các biện pháp giảm phát thải trong tương lai, UNFCCC (Ủy ban công ước khung của Liên hiệp quốc về chống biến đổi khí hậu) hiện đang thảo luận về các mô hình khung và cơ chế thị trường mới nhằm cải tiến và bổ sung cho các giải pháp linh hoạt hiện tại như CDM. 

Liên quan đến sự ra đời của cơ chế thị trường mới, mười chín quốc gia trong đó có Úc, Trung Quốc, Na Uy, Peru và Nhật Bản đã đệ trình quan điểm của họ về "cơ chế dựa trên thị trường mới để nâng cao hiệu quả chi phí, và để thúc đẩy hành động giảm phát thải" trước ngày 21 tháng 2 năm 2011 nhằm thích ứng với một quyết định đã được thông qua tại COP16, Quyết định 1/CP.16, đoạn 82, (COP_Hội nghị các bên tham gia). Vào tháng 8 năm 2012, Nhật Bản đã đệ trình một đề án bổ sung  "các phương pháp tiếp cận khác, bao gồm cả các cơ hội cho việc sử dụng thị trường, để tiết kiệm chi phí và thúc đẩy các hành động giảm thiểu" theo quy định của AWG-LCA (Nhóm làm việc đặc biệt về các hành động hợp tác dài hạn theo công ước).

Phương pháp tiếp cận mới được đề xuất bởi Nhật Bản gọi là Cơ chế tín chỉ chung (JCM) hay còn gọi là Cơ chế tín chỉ bù trừ song phương (BOCM). Để đóng góp cho các hành động toàn cầu nhằm giảm phát thải và loại bỏ phát thải bằng các bể hấp thụ, JCM/BOCM cung cấp các cơ hội cho các nước đang phát triển có thể đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải của họ một cách linh hoạt và nhanh chóng phù hợp với hoàn cảnh của từng nước. Qua đó cơ chế này góp phần tạo điều kiện để các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, vv,… tiên tiến được phổ biến rộng rãi, giúp giảm phát thải khí nhà kính, cũng như giúp thực hiện các hành động giảm thiểu ở các quốc gia này. Đồng thời, nó cũng làm cho việc đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV) lượng giảm phát thải khí nhà kính có thể thực hiện được một cách thuận lợi. 

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp và Bộ Môi trường Nhật Bản hiện đang xây dựng cơ chế này để bổ sung cho CDM và qua đó đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu cuối cùng của UNFCCC thông qua việc xây dựng các hướng dẫn thực hiện, phương pháp luận MRV, vv…

Đặc điểm chính của JCM/BOCM là nó thúc đẩy các hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua các thỏa thuận song phương chủ yếu giữa những nước phát triển và các nước đang phát triển. Cơ chế này khác với CDM, bởi CDM được quản lý bởi Ban điều hành CDM của UNFCCC. Trong khi cơ chế BOCM sử dụng một Uỷ ban hỗn hợp gồm các quan chức chính phủ của cả hai nước được thành lập để phát triển và soát xét các quy định, hướng dẫn, phương pháp luận, vv.. nhằm thúc đẩy cơ chế này hoạt động. Việc đăng ký các dự án và ban hành tín chỉ cũng được thực hiện bởi cả hai nước. Sự khác biệt lớn giữa CDM và cơ chế này là mọi quá trình của CDM được đặt dưới sự giám sát của Ban điều hành CDM (cơ chế quyền lực tập trung) trong khi hầu hết các quá trình của JCM/BOCM được triển khai theo những gì đã thống nhất giữa hai nước liên quan (cơ chế phân quyền). Việc xây dựng và sửa đổi các phương pháp luận nhìn chung được thực hiện bởi cả hai nước. Cấu trúc phân quyền như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc thúc đẩy các hành động giảm thiểu phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mỗi quốc gia đang phát triển và giúp cho cơ chế này trở nên đơn giản và có tính thực tiễn cao.

Hiện nay, Nhật Bản đã ký các thỏa thuận song phương về JCM/BOCM với một số nước  như Mông Cổ vào tháng Giêng năm 2013, với Bangladesh vào tháng 3 năm 2013, với Ethiopia vào tháng 5 năm 2013, với Cộng hòa Kenya, Maldive vào tháng 6 năm 2013, với Vietnam vào tháng 7 năm 2013, với Lào và Indonesia vào tháng 8 năm 2013. Nhật Bản và Mông Cổ cũng đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp và thông qua các quy tắc cơ bản của cơ chế này cũng như các quy chế hoạt động cho ủy ban hỗn hợp. 

Không giống với CDM, JCM/BOCM sử dụng phương pháp luận MRV riêng cho việc định lượng giảm phát thải. Các phương pháp luận MRV đang được xây dựng gắn với những nỗ lực phát triển các dự án thông qua các nghiên cứu khả thi (FS), vv… được triển khai bởi Bộ Môi trường và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Việc phát triển các báo cáo nghiên cứu khả thi và phương pháp luận JCM/BOCM đã được thực hiện ở nhiều nước bao gồm các nước ở Châu Á, Châu Phi. Đồng thời quá trình xây dựng năng lực liên quan đến JCM/BOCM tại nước sở tại (nước đang phát triển) cũng đang được thực hiện.

Liên quan đến các phương pháp luận MRV, điều quan trọng là làm cho chúng có tính hợp lý và minh bạch cao, các phương pháp luận phức tạp và khó khả thi như ở cơ chế CDM phải được loại bỏ. Điều quan trọng là các phương pháp luận được phát triển bởi cả hai nước có một số loại phù hợp với các phương pháp đã được phát triển bởi các quốc gia khác. Ví dụ, nếu tính logic phía sau phương pháp luận của cùng một công nghệ có sự khác biệt giữa quốc gia này với quốc gia kia, thì nó sẽ không được chấp nhận. Hơn nữa, kể từ khi cơ chế này được thiết kế với mục đích đảm bảo được tính đơn giản hóa của nó, thì tính chất “bảo toàn” (conservativeness) trong khi tính toán lượng giảm phát thải cần được đặc biệt lưu ý. Chính phủ Nhật Bản sẽ cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách thiết lập nên một "kịch bản tham chiếu", đảm bảo tính “bảo toàn” hơn mức BaU (mức phát thải ở điều kiện hoạt động bình thường), để xác định cái gọi là "phát thải cơ sở". 

Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục hướng về phía trước với việc hình thành nên các quy định song phương với các nước có nhu cầu tham gia JCM/BOCM. Đồng thời, Nhật Bản sẽ tiến hành đàm phán với UNFCCC để được thừa nhận cơ chế này như là một "khuôn khổ cho cách tiếp cận khác". Để đạt được sự đồng thuận của quốc tế, điều quan trọng là chính phủ Nhật Bản sẽ phải tiếp tục cung cấp thông tin cập nhật về những nỗ lực của mình tại các hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu.

Quốc Bình – P. CNHT
Theo http://www.globalccsinstitute.com

Cập nhật: 25/11/2013
Lượt xem: 9047
Lên trên