Hội nhập kinh tế quốc tế trong Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
Quay lại Bản in Yahoo



Ông Trần Văn Vinh- Tổng Cục trưởng Tổng cục TĐC phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo “Hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng” vừa diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Văn phòng Thông báo và hỏi đáp Quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Thường trực Đoàn Thanh niên Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp tổ chức.

Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung vào các vấn đề: “Ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượngtrong hội nhập kinh tế quốc tế”, “Hoạt động Tiêu chuẩn hóa trong hội nhập kinh tế quốc tế- Cơ hội và thách thức”, “Hoạt động hội nhập trong lĩnh vực Đo lường”, “Hạ tầng chất lượng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”, “Hội nhập Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong ASEAN- Vai trò và sự tham gia của Việt Nam trang ACCSQ”...

Hội thảo nhấn mạnh vai trò của hội nhập, các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa.Theo đó, các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, nhưng trên thực tế các nước nhập khẩu sẽ đặt ra nhiều quy định, tiêu chuẩn đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm tạo ra rào cản đối với hàng nhập khẩu và bảo hộ hàng trong nước. Do đó các doanh nghiệp cần có “chìa khóa” để mở cánh cửa “quy định, tiêu chuẩn” do các nước nhập khẩu dựng lên để có thể thông quan được hàng hóa. 

Chìa khóa này chính là bằng chứng chứng minh sản phẩm, hàng hóa tuân thủ theo các quy định, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, đồng thời bằng chứng này phải được quốc tế chấp nhận. Hoạt động đánh giá sự phù hợp hiện nay được chấp nhận và áp dụng tại hầu hết các nước và được các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước thừa nhận, do đó sẽ là bằng chứng phù hợp và là chìa khóa giúp sản phẩm của doanh nghiệp vượt qua cánh cửa của hàng rào kỹ thuật. Và khi nắm bắt được “chiếc chìa khóa” mang tên đánh giá sự phù hợp một cách hiệu quả, thì các hiệp định thương mại tự do sẽ là các cửa ngõ giúp các doanh nghiệp Việt Nam bước đến những thành công mới.

Bên cạnh đó, theo các đại biểu, hội nhập kinh tế mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam:Các rào cản thương mại được dỡ bỏ theo hiệp định được ký kết giữa các quốc gia thành viên của các tổ chức, việc tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, thông tin được cung cấp đầy đủ hơn. Nhưng các doanh nghiệp cũng đứng trước nhiều thách thức: các quốc gia thay vì sử dụng thuế, giấy phép xuất nhập khẩu, hạn ngạch… để bảo vệ thị trường đã dựng nên một loại rào cản mới tinh vi, phức tạp và khó vượt qua hơn nhiều; đó là rào cản kỹ thuật. 

Rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế có thể được chia thành sáu nhóm bao gồm: Quy định và tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm; Quy định và tiêu chuẩn về an toàn cho người sử dụng; Quy định và tiêu chuẩn môi trường; Quy định và tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội; Quy định và tiêu chuẩn về ghi nhãn sản phẩm; Quy định về nguồn gốc xuất xứ. 

Trong đó, chất lượng sản phẩm chính là yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt. Do hình thức đa dạng và linh hoạt nên rào cản kỹ thuật có phạm vi ảnh hưởng rất rộng rãi. Hầu hết các hoạt động thương mại trên thế giới đều gặp phải cản trở của rào cản kỹ thuật. Thực tế cho thấy, rào cản kỹ thuật đã ảnh hưởng đến cả nước xuất khẩu và nhập khẩu trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Đối với nước xuất khẩu thì rào cản kỹ thuật có tác động tích cực trên nhiều khía cạnh.

Thứ nhất, trước rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu hàng hóa đặt ra yêu cầu cho các nhà xuất khẩu phải nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, cải tiến quản lý, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Chính phủ các nước XK cũng phải sát cánh cùng DN, hỗ trợ các DN, nỗ lực tìm ra các biện pháp chính sách thích hợp để giúp DN vượt rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu. Chính những nỗ lực của nước XK đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của các DN và hàng hóa XK qua đó mà có thể mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng XK, tăng thu nhập, tạo việc làm cho nền kinh tế...

Thứ hai, chính việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe của các thị trường nhập khẩu sẽ góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, giúp thực hiện phát triển bền vững nền kinh tế cho nước xuất khẩu. Một khi đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường không những nhà XK thực hiện được mục tiêu XK mà còn góp phần cải thiện và bảo vệ môi trường sống, làm cho sản xuất sạch hơn, hạn chế được tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên của quốc gia mình.

Thứ ba, việc đáp ứng các tiêu chuẩn lao động cao của các thị trường nhập khẩu cũng giúp cho người lao động có điều kiện lao động tốt hơn, cải thiện được sức khỏe, an toàn lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, góp phần cải thiện an sinh xã hội, đây là yếu tố cơ bản để đảm bảo ổn định trật tự xã hội cho phát triển.

Cuối cùng, các nước XK cũng có thể nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế; nước nhập khẩu để cải thiện năng lực, đáp ứng và vượt qua các rào cản kỹ thuật...

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng(TCĐLCL) nhấn mạnh, với tầm quan trọng của 3 mũi nhọn đó là Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, nhiệm vụ trọng trách hội nhập đặt lên vai thế hệ thanh niên Tổng cục là rất to lớn khi Việt Nam đã là thành viên của 18 tổ chức quốc tế và khu vực trong lĩnh vực TCĐLCL.

Đặc biệt những năm gần đây hoạt động TCĐLCL càng trở nên quan trọng, ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt của hoạt động đời sống kinh tế-xã hội góp phần đáng kể vào quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thoan, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng cục khẳng định: Chủ động hội nhập là mục tiêu và cũng là yêu cầu đối với thanh niên Tổng cục. Trước những thuận lợi và khó khăn của đất nước cũng như của bản thân mình, hơn lúc nào hết thanh niên Tổng cục phải nhận thấy rõ vị trí, vai trò của mình đối với sự phát triển của đất nước. Phải nhận thức được khó khăn lớn nhất của mình trong giai đoạn này là sự cạnh tranh quyết liệt về trí tuệ để đạt tới những đỉnh cao của khoa học, kỹ thuật và công nghệ cũng như trình độ quản lý. 

Thay mặt các đoàn viên của Tổng cục, ông Nguyễn Văn Thoan cũng đã đưa ra những kiến nghị: Đảng ủy, Lãnh đạo Tổng cục giao cho Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Tổng cục triển khai một hoạt động về Hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; các chi đoàn trực thuộc chủ động đề xuất với cơ quan, đơn vị những nội dung, phần việc hội nhập mà Đoàn có thể đảm nhận triển khai thực hiện. các chi đoàn đưa nội dung tuyên truyền về Hội nhập kinh tế quốc tế vào các buổi sinh hoạt Đoàn. Tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh cán bộ, đoàn viên thanh niên có sáng kiến trong Hội nhập kinh tế quốc tế chính là đẩy mạnh cuộc vận động “Tuổi trẻ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng học tập và làm theo lời Bác”...

Nguồn: baotintuc.vn

Cập nhật: 29/10/2015
Lượt xem: 6251
Lên trên