Cần học nguyên tắc 5S trong cách làm việc của người Nhật
Quay lại Bản in Yahoo

Nguyên tắc 5S là một công cụ quan trọng, không thể thiếu trong bất kỳ một tổ chức nào muốn hướng đến mô hình đẳng cấp thế giới.

Trong khi công cụ này đã rất phổ biến và được áp dụng thành công ở nhiều doanh nghiệp tại Nhật Bản và trên thế giới, tuy nhiên, tại Việt Nam, việc hiểu đúng, có tiếp thích hợp và kế hoạch triển khai rõ ràng cũng như nhất quán tại các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ.

5S là phương pháp quản lý (sản xuất) theo phương pháp Nhật Bản, làm cơ sở cho các hệ thống và triểt lý quản lý sản xuất như TPS, TQM và LEAN Manufacturing.

Hiện nay 5S hiện diện tại tất cả các tổ chức theo đuổi và đạt được mô hình tổ chức đẳng cấp thế giới (world class manufacturing) với mục đích chính là loại bỏ các lãng phí trong sản xuất, giảm thiểu các hoạt động không gia tăng giá trị, cung cấp một môi trường làm việc với tinh thần cải tiến liên tục, cải thiện tình trạng an toàn và chất lượng.

Chương trình chứng nhận các tổ chức, doanh nghiệp thực hành tốt 5S là một trong các chương trình chứng nhận được QUACERT xây dựng theo các nguyên tắc và chuẩn mực chứng nhận quốc tế nói chung. Với đội ngũ chuyên gia đánh giá đông đảo và bề dày kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động đánh giá chứng nhận, Giấy chứng nhận thực hành tốt 5S của QUACERT là sự khẳng định tin cậy về thành tựu triển khai 5S, cơ sở vững chắc để các tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục triển khai các hoạt động cải tiến năng suất, chất lượng.

5S là nền tảng cơ bản để các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hệ thống đảm bảo chất lượng và công cụ năng suất, chất lượng. Quan điểm này xuất phát từ thực tế nếu người lao động đượclàm việc trong một môi trường lành mạnh, sạch đẹp, thoáng đãng, tiện lợi thì tinh thần của họ sẽ thoải mái hơn, năng suất lao động sẽ cao hơn và doanh nghiệp, tổ chức có điều kiện để việc áp dụng một hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả hơn.

Nguyên tắc 5S giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng suất chât lượng.

Theo từ gốc tiếng Nhật, 5 chữ S trong mô hình 5S là viết tắt của Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc), Shitsuke (Sẵn sàng).

SERI (Sàng lọc): Là xem xét, phân loại, chọn lựa và loại bỏ những thứ không cần thiết tại nơi làm việc. Chống xu hướng của con người muốn giữ mọi thứ cho những trường hợp dự phòng, chỉ giữ những loại dụng cụ, phương tiện tối thiểu hỗ trợ cho công việc, nên dán nhãn “đỏ” vào những dụng cụ, thiết bị và vật liệu cần thiết giữ lại.

SEITON (Sắp xếp): Là bố trí, sắp đặt mọi thứ ngăn nắp theo trật tự hợp lý để dễ dàng, nhanh chóng cho việc sử dụng. Khi sắp xếp nên sử dụng những phương tiện trực quan một cách rõ ràng, đễ mọi người dễ nhận biết, tạo nơi làm việc có tổ chức, giảm thiểu thời gian tìm kiếm, loại bỏ những hành động dư thừa gây lãng phí thời gian.

SEISO (Sạch sẽ): Là giữ gìn vệ sinh tại nơi làm việc, máy móc, thiết bị để đảm bảo môi trường, mỹ quan tại nơi làm việc. Tất cả mọi thành viên trong đơn vị đều có ý thức và tham gia giữ gìn vệ sinh, phải có đủ phương tiện, dụng cụ vệ sinh cho đầy đủ và thích hợp. Công việc vệ sinh là việc làm thường xuyên của mọi người trong tổ chức, và Ban lãnh đạo thường xuyên kiểm tra nhắc nhở việc thực hiện.

SEIKETSU (Săn sóc): Là duy trì thường xuyên những việc đã làm, cải tiến liên tục nơi làm việc để đạt được hiệu quả cao hơn là điều rất quan trọng và cần thiết. Xác lập một hệ thống kiểm soát trực quan, như dán nhãn hoặc đánh dấu bằng màu sắc. Tạo môi trường dễ dàng để duy trì việc sàng lọc, sắp xếp và sạch sẽ.

SHITSUKE (Sẵn sàng): Giáo dục mọi người có ý thức, tạo thói quen tự giác tuân thủ nghiêm ngặt các qui định tại nơi làm việc. Hãy biến mọi việc làm tốt đẹp trở thành thói quen, niêm yết kết quả đánh giá 5S tại nơi làm việc để khuyết chích việc tốt và rút kinh nghiệm việc chưa tốt. Kiểm tra định kỳ với những nguyên tắc đã xác lập, xây dựng và định hình một nền văn hoá trong đơn vị

Để thực hiện thành công chương trình thực hành 5S, các doanh nghiệp Việt cần sự cam kết và ủng hộ của Lãnh đạo cao nhất thông qua việc chỉ đạo thực hiện, tập trung nguồn lực, kinh phí và thời gian.

Đồng thời, cần đào tạo và hướng dẫn mọi cán bộ nhân viên trong tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa cũng như phương pháp để thực hiện. Từ đó mỗi bộ phận, cá nhân có thể chủ động đưa ra kế hoạch thực hiện tại đơn vị của mình.

Ngoài ra, cần tạo một môi trường khuyến khích mọi người tích cực tham gia, phát huy sáng kiến và duy trì môi trường làm việc sạch sẽ, thuận lợi và an toàn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không được quên việc duy trì và cải tiến không ngừng, tạo nên một nguyên tắc hoạt động trong tổ chức, doanh nghiệp để đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý và kinh doanh.

 Nguồn: vietq.vn



Cập nhật: 15/08/2016
Lượt xem: 6470
Lên trên