Các vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật cần chú ý khi quảng bá nông sản tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi
Quay lại Bản in Yahoo

Ngày 06/12/2023 Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả quảng bá nông sản Việt Nam tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi”, điều hành tọa đàm có Ông Nguyễn Minh Vũ – Trợ lý Bộ trưởng và Ông Bùi Hà Nam – Vụ trưởng Vụ Trung Đông – Châu Phi. Tham dự buổi tọa đàm có đại diện của 05 Bộ ngành, các Đại sứ của Việt Nam tại một số quốc gia khu vực Trung Đông – Bắc Phi, đại diện các Hiệp hội, các địa phương và doanh nghiệp. Tọa đàm theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại hơn 90 điểm cầu trong và ngoài nước tham gia.

(Hình ảnh Tọa đàm trực tiếp tại trụ sở Bộ Ngoại giao)

Trung Đông – Bắc Phi là thị trường giàu tiềm năng với dân số gần 500 triệu người có nhu cầu và mức chi tiêu cao với các mặt hàng nông thủy sản nhập khẩu mà các doanh nghiệp Việt Nam vốn có thế mạnh như các loại thủy sản, gạo, chè, tiêu, hồi, quế, điều, rau củ quả, hoa quả và thực phẩm chế biến. Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, không phù hợp để phát triển nông nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu nội địa, đây là thị trường còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đẩy mạnh khai thác tiềm năng trong thời gian tới.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội, địa phương và các doanh nghiệp cũng đã nêu ra những điểm thuận lợi, tiềm năng của thị trường này, nhưng bên cạnh đó là không ít khó khăn như: Thiếu thông tin về thị trường; Sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, hệ thống pháp luật, tập quán kinh doanh; Mạng lưới thương mại, phân phối của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế; Chi phí logistic và chi tiếp thị còn cao; Đặc biệt là các yêu cầu về chất lượng, an toàn của sản phẩm, chứng nhận Halal đối với hàng hóa nông sản nhập khẩu vào mỗi quốc gia này…

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp - Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trình bày tham luận “Các vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật cần chú ý khi quảng bá nông sản tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi” đã cung cấp các thông tin liên quan đến hệ thống các tiêu chuẩn TCVN đối với các sản phẩm nông sản; các tiêu chuẩn TCVN về Halal; Định hướng về tiêu chuẩn hóa trong thời gian tới; Hợp tác về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại thị trường Trung Đông – Châu Phi; Hoạt động chứng nhận Halal đối với nông sản của Việt Nam, với các nội dung cụ thể:

1. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho các sản phẩm nông sản:

1.1.Về gạo:

- Trong hệ thống TCVN hiện hành có 20 TCVN liên quan đến lúa gạo bao gồm các TCVN thuật ngữ và định nghĩa, yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử, về giống, sản xuất, bảo quản.

1.2. Về chè: Trong hệ thống TCVN hiện hành có 47 TCVN về chè và sản phẩm chè, trong đó bao gồm các TCVN về yêu cầu kỹ thuật, thuật ngữ định nghĩa, phương pháp thử đối với chè và sản phẩm chè.

1.3. Về cà phê và sản phẩm cà phê:

Trong hệ thống TCVN hiện hành có 40 TCVN về cà phê và sản phẩm cà phê, trong đó đã có TCVN 5251:2015 Cà phê bột (cà phê rang xay) và TCVN 5250:2015 Cà phê rang là các sản phẩm cà phê đã qua sơ chế, chế biến.

1.4. Về hạt tiêu:

Trong hệ thống TCVN hiện hành có 7 TCVN về hạt tiêu bao gồm các tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử.

1.5. Về hạt điều:

Trong hệ thống TCVN hiện hành có 4 TCVN về hạt điều, cụ thể như sau:

- TCVN 4850:1989 Nhân hạt điều. Yêu cầu kỹ thuật

- TCVN 12461:2018 Quy phạm thực hành vệ sinh trong chế biến hạt điều

- TCVN 12380:2018 Hạt điều thô - Yêu cầu kỹ thuật

- TCVN 13752:2023 Nhân hạt điều rang.

Hạt điều xuất khẩu bao gồm: Hạt điều chưa qua sơ chế, chế biến (hạt điều thô), hạt điều đã qua sơ chế (nhân hạt điều), hạt điều đã qua chế biến (nhân hạt điều rang).

1.6. Về nông nghiệp hữu cơ

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố được 08 TCVN cụ thể như sau:

- TCVN 11041-1:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

- TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 2: Trồng trọt hữu cơ

- TCVN 11041-3:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ

- TCVN 11041-5:2018 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 5: Gạo hữu cơ

- TCVN 11041-6:2018 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 6: Chè hữu cơ

- TCVN 11041-7:2018 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 7: Sữa hữu cơ

- TCVN 11041-8:2018 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 8: Tôm hữu cơ

- TCVN 12134:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận

1.7. Về rau quả:

Trong hệ thống TCVN hiện hành có 181 TCVN liên quan đến rau quả, bao gồm các TCVN về yêu cầu kỹ thuật, thuật ngữ và định nghĩa, phương pháp thử,.... Các TCVN này được xây dựng trên cơ sở tham khảo hoặc chấp nhận tiêu chuẩn Codex, ISO.

  Ngoài ra, Bộ KH&CN đang tiến hành công bố 4 TCVN sản phẩm rau quả đã sơ chế, chế biến phục vụ xuất khẩu như: chanh dây sấy dẻo, chanh dây đông lạnh, thanh long sấy, thanh long đông lạnh.

1.8. Về thủy sản:

  Trong hệ thống TCVN hiện hành có 96 TCVN liên quan đến thủy sản và sản phẩm thủy sản, bao gồm các TCVN về yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử,....

2. Về sản phẩm Halal:

- Bộ tiêu chuẩn quốc gia về Halal hiện nay có 05 TCVN, cụ thể:

+     TCVN 12944:2020 Thực phẩm Halal – Yêu cầu chung;

+      TCVN 13708:2023 Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal;

+     TCVN 13709:2023 Thức ăn chăn nuôi Halal;

+      TCVN 13710:2023 Thực phẩm halal – Yêu cầu đối với giết mổ động vật;

          Bộ tiêu chuẩn quốc gia này là công cụ kỹ thuật quan trọng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu, tham khảo và áp dụng đúng đắn vào sản xuất kinh doanh của mình để đạt chứng nhận sản phẩm Halal được thuận lợi và xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.

3. Định hướng về tiêu chuẩn hoá trong thời gian tới:

- Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia với mục tiêu định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, nhóm ngành được ưu tiên xây dựng tiêu chuẩn là những nhóm ngành có giá trị xuất khẩu cao, hoặc đóng góp lớn vào phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.

  - Riêng đối với lĩnh vực Halal:

 Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có kế hoạch xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về Halal: Dự kiến xây dựng 30 TCVN bao gồm các tiêu chuẩn về thuật ngữ định nghĩa, các tiêu chuẩn Halal lĩnh vực mỹ phẩm, dược phẩm, trang thiết bị y tế, thực phẩm, da giầy, thảm trải sàn, bao bì, du lịch và dịch vụ, đánh giá sự phù hợp, chuỗi cung ứng Halal.

Ngoài ra, sẽ triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật và tiêu chuẩn trong ngành Halal cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

4. Hợp tác về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tại thị trường Trung Đông – Châu Phi:

Việc hợp tác quốc tế về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi nhằm mục tiêu tìm hiểu các tiêu chuẩn, quy định về chứng nhận sản phẩm và dịch vụ Halal; Hỗ trợ kỹ thuật cho Trung tâm Chứng nhận Halal của Việt Nam (thuộc Tổng cục TCĐLCL) để tiến tới ký kết các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau với các cơ quan chứng nhận Halal quốc gia tại các thị trường này.

Hiện nay, Tổng cục TCĐLCL, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiết lập hợp tác với Bộ Công nghiệp và Công nghê tiên tiến (MoIAT), cũng là cơ quan quản lý chứng nhận Halal của UAE. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Bản ghi nhớ vào ngày 1/12/2023 nhân chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới tại COP 28 và tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE.

Ngoài ra, Tổng cục TCĐLCL đã thống nhất Chương trình hợp tác kỹ thuật (TCP) với tổ chức TCĐLCL Ả-rập Xê-út (SASO) và sẽ ký kết vào một thời điểm thích hợp trong tương lai.

5. Hoạt động chứng nhận Halal đối với sản phẩm nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước khu vực Trung Đông – Bắc Phi: ​

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã xây dựng đề án thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, đây là một đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý Nhà nước liên quan đến chứng nhận Halal.

(Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp trình bày về phương án hoạt động của Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia)

Khi Trung tâm Chứng nhận Halal đi vào hoạt động sẽ giúp hoạt động chứng nhận Halal phát triển toàn diện, thông qua một số nội dung sau:

- Phát triển hoạt động chứng nhận sản phẩm Halal tại thị trường Việt Nam

- Giúp doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước Hồi giáo, phi Hồi giáo; Giảm chi phí và thời gian thực hiện chứng nhận sản phẩm theo Halal. Thúc đẩy, nâng cao kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm Halal.

- Giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về Halal:

+ Thống nhất quản lý Nhà nước về chứng nhận Halal, đảm bảo các tổ chức chứng nhận, thử nghiệm hoạt động phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn các nước hồi giáo, phi hồi giáo.

+ Tăng cường công tác hợp tác quốc tế, thừa nhận, chỉ định liên quan đến chứng nhận Halal.

+ Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo về tiêu chuẩn, chứng nhận cho các doanh nghiệp Việt Nam về Halal

           Cũng trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn TCVN 13888:2023 Đánh giá sự phù hợp – Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình và dịch vụ Halal.
Nguồn: https://vietq.vn/tieu-chuan-ky-thuat-can-chu-y-khi-quang-ba-nong-san-tai-khu-vuc-trung-dong-va-bac-phi-d216821.html


Cập nhật: 07/12/2023
Lượt xem: 1676
Lên trên