Mức chuẩn hiệu quả năng lượng của các ngành công nghiệp Việt Nam
Quay lại Bản in Yahoo
Xây dựng mức chuẩn hiệu quả năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam là nhiệm vụ của Dự án Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam (CPEE) trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) do Bộ Công thương chủ trì. Mục tiêu của việc xây dựng mức chuẩn hiệu quả năng lượng này nhằm giúp cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đánh giá tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng của đơn vị mình so với các đơn vị khác trong ngành, đồng thời giúp cho các cơ quan quản lý nắm rõ hiện trạng sử dụng năng lượng của doanh nghiệp để có thể đề xuất với Chính phủ ban hành các chính sách, cơ chế, văn bản dưới Luật...hỗ trợ cho doanh nghiệp sử dụng năng lượng ngày càng tiết kiệm và hiệu quả hơn theo đúng tinh thần của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, để đạt được mức chuẩn năng lượng, dự án cũng đề xuất các kế hoạch hành động tiết kiệm năng lượng cụ thể giúp các doanh nghiệp nâng cao việc sử dụng năng lượng hiệu quả. 


Tiến sỹ Brahmanand Mohanty – chuyên gia tư vấn quốc tế trình bày Dự thảo Kế hoạch hành động nhằm tiết kiệm năng lượng trong ngành Đồ uống tại Hội thảo

Dự án CPEE đặt mục tiêu xây dựng mức chuẩn năng lượng cho 4 ngành là Hóa chất, Đồ uống, Giấy và ngành Nhựa. Hiện tại mức chuẩn năng lượng trong ngành Hóa chất đã được ban hành theo Thông tư 02/2014/TT-BCT ngày 16 tháng 1 năm 2014. Tháng 8/2014, mức chuẩn năng lượng cho ngành Đồ uống đã được Tổng cục Năng lượng – Bộ Công thương  tổ chức hội thảo nhằm trình bày phương pháp luận, kết quả kiểm toán sơ bộ và mức chuẩn hiệu quả năng lượng dự kiến để lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện dự án. Nhằm đẩy nhanh tiến độ công việc, hôm nay 25/9/2014, Tổng cục Năng lượng – Bộ Công thương tiếp tục tổ chức hội thảo cuối cùng nhằm mục đích thu thập các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các tổ chức liên quan, các đơn vị quản lý và các doanh nghiệp trong ngành sản xuất Đồ uống để hoàn thiện dự án. Tại hội thảo, các kịch bản tiết kiệm năng lượng trong ngành Đồ uống và các kế hoạch hành động tiết kiệm năng lượng cũng như các đề xuất xây dựng chính sách, cơ chế, văn bản dưới luật...của các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước đã được trình bày. Dự kiến thông tư về mức chuẩn năng lượng trong ngành Đồ uống sẽ được hoàn thiện và ban hành trong thời gian sớm. Các mức chuẩn năng lượng cho ngành Giấy và ngành Nhựa sẽ được triển khai xây dựng trong thời gian tới. 

Trung tâm Chứng nhận Phù hợp – QUACERT, tổ chức chứng nhận đi tiên phong trong việc xây dựng và phát triển chương trình chứng nhận hệ thống hiệu quả năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 50001:2011, đã được mời tham gia đóng góp ý kiến cho các hội thảo thông qua các kinh nghiệm đào tạo và chứng nhận Hệ thống quản lý năng lượng cho các doanh nghiệp. 

Một số chỉ số hiệu quả năng lượng trong các ngành như sau :

Ngành Hóa chất : chỉ số hiệu quả năng lượng (SEC) được tính theo tiêu hao năng lượng tính theo cân dầu tương đương (kOE) để sản xuất ra thành phẩm tính theo tấn, và tùy thuộc vào công suất thiết kế của cơ sở sản xuất (theo 02/2014/TT-BCT)

-       Sản xuất cao su nguyên liệu : 
+ Chỉ số hiệu quả là 44 kOE/tấn thành phẩm (CSTK  < 5.000 tấn/năm) 

+ Chỉ số hiệu quả là 36 kOE/tấn thành phẩm (CSTK :  5.000 – 10.000 tấn/năm) 

+ Chỉ số hiệu quả là 28 kOE/tấn thành phẩm (CSTK  > 10.000 tấn/năm)

-       Sản xuất phân bón : 

+ Chỉ số hiệu quả là 14,8 kOE/tấn thành phẩm (CSTK  < 4.000 tấn/năm) 

+ Chỉ số hiệu quả là 16,8 kOE/tấn thành phẩm (CSTK :  4.000 – 9.000 tấn/năm) 

+ Chỉ số hiệu quả là 19,7 kOE/tấn thành phẩm (CSTK  > 9.000 tấn/năm)

-       Sản xuất sơn nước : 

+ Chỉ số hiệu quả là 12,1 kOE/tấn thành phẩm

-       Sản xuất sơn dung môi :

+ Chỉ số hiệu quả là 17,7 kOE/tấn thành phẩm

Ngành Đồ uống : chỉ số hiệu quả năng lượng được tính theo tiêu hao năng lượng thứ cấp (quy đổi ra MJ - mê ga jun) để sản xuất ra lượng bia (quy đổi ra bia chai ) hoặc đồ uống không cồn (quy đổi ra nước ngọt trong chai không thu hồi) với đơn vị tính là hl – hecto lít. Đối với cơ sở sản xuất bia thì chỉ số tùy thuộc vào công suất sản xuất, đối với cơ sở sản xuất đồ uống thì tùy thuộc vào loại hình có gas hoặc không gas. Các kịch bản về chỉ số hiệu quả năng lượng được tính toán cho 2 giai đoạn 5 năm (2016-2020) và 10 năm (2021-2025), dự kiến như sau :

-       Sản xuất bia :

+ Chỉ số hiệu quả là 155 MJ/hl (giai đoạn 2016-2020) và 151 MJ/hl (giai đoạn 2021-2025) đối với các cơ sở sản xuất có công suất  > 100 triệu lít/năm.

+ Chỉ số hiệu quả là 231 MJ/hl (giai đoạn 2016-2020) và 224 MJ/hl (giai đoạn 2021-2025) đối với các cơ sở sản xuất có công suất  20 - 100 triệu lít/năm.

+ Chỉ số hiệu quả là 325 MJ/hl (giai đoạn 2016-2020) và 317 MJ/hl (giai đoạn 2021-2025) đối với các cơ sở sản xuất có công suất  < 20 triệu lít/năm)

-       Sản xuất nước ngọt :

+ Chỉ số hiệu quả là 72 MJ/hl (giai đoạn 2016-2020) và 71 MJ/hl (giai đoạn 2021-2025) đối với các cơ sở sản xuất Nước ngọt có gas.

+ Chỉ số hiệu quả là 132 MJ/hl (giai đoạn 2016-2020) và 130 MJ/hl (giai đoạn 2021-2025) đối với các cơ sở sản xuất Nước ngọt không gas.

*Một số thông số kỹ thuật tham khảo:

 kOE ~ 6,48 kWh ~ 2 kg than cám 5,6 ~ 1,36 lít dầu FO

1 MJ ~ 106 J ~ 0,278 kWh ~ 239 kcal

1 hl ~ 100 lít

Tin và bài : Trần Thị Ngọc Anh –
Phụ trách Phòng Chứng nhận Hệ thống - QUACERT

 

 

 

 

Cập nhật: 26/09/2014
Lượt xem: 45634
Lên trên