Nhận biết mũ bảo hiểm tốt, hợp quy
Quay lại Bản in Yahoo

Người mua khó chọn được MBH hợp quy chuẩn trước sản phẩm MBH thật, giả tràn lan trên thị trường

Việc xác định thế nào là mũ bảo hiểm chất lượng, hợp quy đang là vấn đề nan giải đối với người dân, trước thị trường mũ bảo hiểm “vàng thau lẫn lộn”. Các chuyên gia trong lĩnh vực đo lường chất lượng và an toàn giao thông có một số lưu ý đối với người tiêu dùng.


Ông Trần Văn Vinh, phó tổng cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ khoa học và công nghệ), thông qua cổng thông tin điện tử chính phủ cho rằng, không có khái niệm tem hợp quy giả vì đây chỉ là dấu hiệu để người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh và cơ quan quản lý nhận biết loại hàng hóa phải hợp quy. Dấu hợp quy CR sẽ do tổ chức chứng nhận được chỉ định hướng dẫn cơ sở sản xuất MBH sau khi thực hiện chứng nhận hợp quy và dấu CR do cơ sở tự in, gắn lên MBH và chịu trách nhiệm trước Nhà nước và người tiêu dùng.

Người tiêu dùng khi mua cần quan tâm là mua MBH có gắn dấu hợp quy, có nhãn mác đầy đủ, MBH của cơ sở có uy tín và đặc biệt không mua MBH bán rong, trên vỉa hè... Việc nhà sản xuất, người bán MBH không gắn dấu hợp quy là vi phạm và không đảm bảo chất lượng hoặc cố tình gắn dấu hợp quy đối với mũ không phải là MBH, MBH không được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy thì sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hành vi này được gọi là “giả mạo chứng nhận hợp quy” và sẽ bị các cơ quan quản lý nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật.

Người tiêu dùng có thể căn cứ vào những dấu hiệu trực quan sau để nhận biết và lựa chọn MBH hợp quy: kết cấu của MBH phải có đủ 3 bộ phận là vỏ mũ (phần vỏ bên ngoài có tác dụng ngăn chặn các va đập trực tiếp vào đầu người đội); đệm hấp thụ xung động (hay còn gọi là đệm bảo vệ) bên trong vỏ mũ (phải đủ rắn chắc, có tác dụng làm giảm chấn động tới đầu người đội); quai đeo (phải đủ bền chắc, có tác dụng giữ chắc mũ vào đầu người đội). Bề mặt phía ngoài của vỏ mũ và các bộ phận lắp vào mũ phải nhẵn, không có vết nứt, không có gờ và cạnh nhọn, sắc. Đầu đinh tán, bu lông không được cao hơn 2 mm so với bề mặt phía ngoài của vỏ mũ. Nhãn mũ phải có đầy đủ các thông tin như: tên sản phẩm là “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”; tên và địa chỉ cơ sở sản xuất (hoặc tên và địa chỉ cơ sở nhập khẩu, xuất xứ - trong trường hợp là mũ nhập khẩu); cỡ mũ; tháng, năm sản xuất; dấu hợp quy CR. MBH đội phải vừa đầu, đảm bảo góc nhìn và đảm bảo phạm vi che phủ theo từng loại mũ.

Theo ông Khương Kim Tạo, phó chánh Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, bằng mắt thường, người dân có thể nhận biết MBH chất lượng, hợp chuẩn qua các dấu hiệu như: những mũ hợp quy đều được gắn dấu hợp quy (CR) và phê chuẩn của cơ quan thử nghiệm. Tem hợp quy là mẫu tem có gắn dấu CR, nhưng không phải cứ nhìn thấy tem là yên tâm được.

Ngoài ra, trên bề mặt sản phẩm còn có các thông tin về loại mũ đó. Mua những chiếc mũ như vậy là hoàn toàn đảm bảo chất lượng. Bạn cũng có thể sờ vào sản phẩm nếu thấy xốp trong mũ quá mỏng, quá yếu, chỉ bấm nhẹ xốp đã nhũn ra rồi thì sao có thể chống được chấn thương sọ não? Cơ sở chứng nhận thường chụp hình chiếc mũ đó và các thông tin thử nghiệm cũng như các thông tin khác về sản phẩm cung cấp cho đơn vị phân phối, khách hàng.

Hải Đăng
Cập nhật: 23/09/2013
Lượt xem: 29288
Lên trên