Cần thay đổi tư duy trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Trong khi truy xuất nguồn gốc đang trở thành xu thế của thời đại và dần thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp, thì việc lựa chọn hệ thống truy xuất nguồn gốc cũng như chi phí vận hành, kiểm soát hệ thống là rất cần thiết. Tuy nhiên rõ ràng, “những điểm nghẽn” đang hiện hành đã khiến truy xuất nguồn gốc chưa phát huy được hết hiệu quả của mình. Muốn truy xuất nguồn gốc hàng hóa thật sự hữu dụng, cần thay đổi tư duy quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất tạo ra sản phẩm. 

Hiện nay, việc quét mã QR trên sản phẩm sẽ thể hiện được một số thông tin cơ bản từ doanh nghiệp sản xuất, tên sản phẩm, ngày, tháng đóng gói, hạn sử dụng… Tuy nhiên, tất cả những thông tin này đều là một chiều từ phía doanh nghiệp.  Không thấy thể hiện bất cứ cơ quan hay đơn vị giám sát tính chính xác của thông tin. Nguyên do, nếu doanh nghiệp áp dụng họ sẽ mất chi phí vận hành, kiểm soát hệ thống trong khi, hiệu quả mang lại không như mong muốn. Bên cạnh đó, tính trung thực của dữ liệu truy xuất nguồn gốc hiện tại vẫn chưa được đảm bảo toàn diện trong quá trình vận hành hệ thống. Nguyên nhân nằm ở thời điểm phát sinh dữ liệu và ghi nhận diễn ra không đồng thời.



Giới chuyên gia nhận định, hiện có nhiều đơn vị làm truy xuất nguồn gốc, nhưng thực tế chưa phải truy xuất nguồn gốc mà mới chỉ cung cấp thông tin sản phẩm. Đa phần ai thích thì làm, mà vẫn chưa có quy định rõ ràng về truy xuất. Thêm vào đó, việc truy xuất nguồn gốc muốn làm đúng phải có sự kiểm soát chặt chẽ và thống nhất từ khâu nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển, đưa ra thị trường…

Tuy nhiên, tại Việt Nam mỗi quy trình lại do một đơn vị quản lý khác nhau, nhất là khi hàng hóa thực phẩm ra thị trường, cơ quan chức năng chỉ tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm là chính. Sự quản lý chồng chéo, khâu quản, khâu không đã khiến việc truy xuất nguồn gốc không đạt hiệu quả mong muốn.

Chính vì lẽ đó dù các hệ thống truy xuất nguồn gốc từ mã QR đến mã số, mã vạch tuy đã đưa vào triển khai thực tế trong nhiều năm nhưng vẫn không thu hút được sự quan tâm quá lớn từ người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp sản xuất, nhất là các doanh nghiệp sản xuất nông sản thực phẩm nhỏ lẻ. Giải pháp cho vấn đề này, cần xây dựng các quy định cụ thể về thông tin cần truy xuất (độ rộng) và mức độ truy xuất đến tác nhân nào, cụ thể ra sao để tạo tính đồng nhất của thông tin. Cùng với đó đưa ra chuẩn cơ sở dữ liệu để có thể đồng bộ hóa dữ liệu lớn nhằm tăng cường quản lý thông qua quy định chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc đạt chuẩn./.

TH